So với HSK4, bài đọc hiểu HSK5 yêu cầu một vốn kiến thức rộng hơn cả về từ vựng lẫn ngữ pháp. Nhiều bạn ôn thi HSK4 lên HSK5 cảm thấy vô cùng lo lắng và hoang mang, không biết ôn luyện sao cho đạt hiệu quả. Vậy nên Tiếng Trung Thượng Hải đã tổng hợp lại các kinh nghiệm, tips làm từng phần và phương pháp ôn luyện để nâng cao khả năng làm bài đọc hiểu HSK5.
Quy trình viết đoạn văn câu 99 bài thi HSK5 được viết trực tiếp bởi cô Vũ Thanh – Founder của trung tâm. Với hơn 12 năm kinh nghiệm giảng dạy và đào tạo tiếng Trung cao cấp bao gồm các khóa học HSK5, HSK6, HSKK cao cấp, Biên phiên dịch, cô Vũ Thanh sẽ chia sẻ đến các bạn những hướng dẫn vô cùng hữu ích và giá trị để giúp người học nhanh chóng chinh phục bài thi HSK các cấp 3,4,5,6.
Hy vọng chia sẻ này sẽ giúp các bạn có được sự chuẩn bị hợp lý để tự tin “chiến đấu” với dạng bài đọc hiểu này.
I. CẤU TRÚC BÀI ĐỌC HIỂU VÀ TIPS ĐẠT ĐIỂM CAO CÁC PHẦN
Phần đọc hiểu: gồm 45 câu hỏi, thời gian làm bài 45 phút (bao gồm thời gian tô phiếu trả lời), chia thành 3 phần nhỏ.
Phần 1:
- Gồm 15 câu hỏi (câu 46-60), đọc đoạn văn điền vào chỗ trống. Thường thì mỗi đoạn văn sẽ không quá dài, tầm khoảng 200 chữ. Câu hỏi cũng chia thành 2 loại đó là điền từ và điền vế câu.
- Với câu hỏi điền từ: đầu tiên cần xác định từ loại cần điền, hiểu nghĩa từ trong các đáp án. Có thể sẽ xuất hiện những từ đồng nghĩa, từ gần nghĩa hoặc từ trái nghĩa nên chúng ta phải để ý đến ngữ cảnh cũng như từ loại để lựa chọn đáp án đúng. Nếu có những từ chúng ta không biết nghĩa thì có thể dùng phương án loại trừ để chọn.
- Với câu hỏi điền vế câu: chúng ta có thể dựa vào nội dung phía trước và phía sau để lựa chọn đáp án sao cho phù hợp với ngữ cảnh, ngữ nghĩa của đoạn. Cần chú ý đến các loại câu cơ bản như câu hỏi, câu chủ động – bị động, câu kể, câu yêu cầu – đề nghị,…
Cách làm bài hiệu quả:
- Để làm bài một cách tốt nhất, bạn nên đọc qua 1 lượt đoạn văn để hiểu được đại ý của cả đoạn rồi mới đọc đến các đáp án để hình dung lượng từ cần điền. Sau đó đọc kỹ từng đáp án và đối chiếu lên đoạn văn. Ngoài ra, bạn dựa vào những từ trọng điểm, ngữ cảnh, thông tin của đoạn văn để hiểu nội dung đoạn văn. Đặc biệt chú ý tới các từ nối, cấu trúc câu ghép ở trước hoặc sau ô trống, vì rất có thể giữa chúng là mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, câu điều kiện, tương phản, tăng tiến,….
- Về kiến thức thì dạng bài tập này yêu cầu bạn phải nắm chắc từ vựng và ngữ pháp, sự kết hợp giữa các loại từ loại, danh từ, động từ, tính từ, lượng từ.
Phần 2:
- Gồm 10 câu hỏi (câu 61-70), chọn đáp án đúng theo nội dung của bài. Các đoạn văn chủ yếu là các đoạn trần thuật, hướng dẫn, giải thích, tự sự hoặc mô tả. Độ dài vào khoảng 70-100 chữ.
- Về độ khó: phần này được đánh giá là khó hơn 15 câu hỏi trong phần 1, bởi nó yêu cầu chúng ta phải hiểu được nội dung chính hay thông điệp mà đoạn văn gửi gắm. Các đáp án được đưa ra cũng sẽ có nội dung na ná nhau nhằm gây phân vân cho thí sinh, khiến chúng ta dễ đưa ra lựa chọn sai nếu như chỉ đọc lướt mà không hiểu kĩ.
Cách làm bài hiệu quả:
- Trước hết, chúng ta nên đọc lướt một lượt toàn bộ đoạn văn để có thể xác định được nội dung mà đoạn văn đang đề cập tới, sau đó lần lượt đọc các đáp án có trong bài, rồi từ các đáp án đọc lên đoạn văn, đáp án nào không hợp lý lập tức loại trừ. Chú ý đến câu mở đầu và câu kết thúc đoạn vì câu chủ đề sẽ thường được đặt ở 2 vị trí này. Ngoài ra chú ý đến những câu có cách biểu đạt khác nhau nhưng có cùng ý nghĩa.
- Ngoài ra, ta cũng có thể dựa vào bối cảnh của đoạn văn để đoán ra nội dung, thông điệp mà đoạn văn muốn gửi gắm tới. Ví dụ đoạn văn là một câu chuyện ngắn, ta có thể đọc lướt qua nội dung câu chuyện rồi suy luận ra thông điệp của câu chuyện, từ đó lựa chọn đáp án chính xác nhất mà không cần đọc quá kĩ, tránh mất thời gian.
Phần 3:
- Gồm 20 câu hỏi, chọn đáp án đúng. Phần này sẽ cho 5 đoạn văn dài 250-500 chữ. Mỗi đoạn văn sẽ có 4 câu hỏi tương ứng. Vì nội dung của đoạn văn sẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau ví dụ như kinh tế, khoa học, văn hóa, đời sống v.v nên trong quá trình ôn thi các bạn nên tích lũy vốn từ có liên quan đến những nội dung này.
Cách làm bài hiệu quả:
- Một mẹo nhỏ là các bạn đừng vội chăm chú đọc đoạn văn luôn, mà hãy đọc lướt nhanh phần câu hỏi trước để nắm được những thông tin mình cần phải đặc biệt chú ý, để đến khi đọc đoạn văn bạn sẽ có thể nhanh chóng tìm ra được đáp án, chứ không cần mất công để hiểu cả đoạn. Cách làm này còn giúp bạn tiết kiệm được thời gian hơn.
- Đối với những câu hỏi loại trừ, đầu tiên xác định từ khóa trong câu hỏi và tìm vị trí có từ khóa đó trong đoạn văn, nắm được các ý nội dung liên quan đến từ khóa đó và ta sẽ loại trừ dần được các đáp án sai rồi tìm ra được đáp án chính xác nhất.
- Nếu gặp phải từ mới chưa biết thì bạn cũng đừng lo lắng, bạn chỉ cần chú ý đến nội dung chính của đoạn, câu hỏi, những từ ngữ mấu chốt được nhắc là có thể làm được bài.
II. 5 PHƯƠNG PHÁP NÂNG CAO KỸ NĂNG ĐỌC – HIỂU
1. Trau dồi vốn từ vựng
Để làm được các bài đọc hiểu của HSK5 thì yêu cầu đầu tiên đó là chúng ta ít nhất phải nắm được 2500 từ vựng. Có rất nhiều cách học từ vựng giúp chúng ta nhớ lâu, nhớ kĩ. Như mình thì mình thường kẻ bảng từ vựng và chia ra các cột gồm pinyin, từ loại, nghĩa của từ, đặt câu với từ theo ngữ cảnh và các từ ngữ kết hợp. Ngoài ra mình cũng sắm vài bộ flashcard nhỏ xinh để ghi ra những từ mà mình cảm thấy khó nhớ nhất. Khi có được một nền tảng kiến thức từ vựng vững chắc thì bạn sẽ tự tin hơn khi làm bài đọc hiểu tưởng chừng như rất khó nhằn này đó!
2. Đọc thật nhiều
Đọc nhiều và đọc thường xuyên là một trong những phương pháp hiệu quả để nâng cao kỹ năng đọc hiểu của bạn. Chúng ta có thể lựa chọn những mẩu truyện ngắn, hay những đoạn văn ngắn theo từng chủ đề khác nhau, theo cấp độ từ khó đến dễ để đọc. Khi đọc, bạn hãy cố gắng đọc to thành tiếng hoặc đọc nhẩm, vừa đọc vừa tập trung để nắm được nội dung chính của đoạn.
3. Luyện khả năng phán đoán
Kỹ năng này cũng rất quan trọng, bởi trong quá trình đọc bài mà bắt gặp từ mới không biết nghĩa thì bạn buộc phải có sự phán đoán. Nếu gặp từ mới, trước hết bạn đừng vội tra từ điển, chúng ta hãy dựa vào bối cảnh, tình huống của đoạn văn, dựa trên nghĩa của những câu trước hoặc câu sau của từ đó để tiến hành phán đoán.
4. Nâng cao tốc độ đọc
Có thể bạn đọc hiểu hết các đoạn văn trong đề thi, nhưng vì tốc độ đọc chậm nên bạn không kịp làm xong bài, như vậy sẽ rất thiệt đúng không nào? Vì thời gian làm bài thi có hạn, nên nếu chúng ta không tăng tốc độ đọc thì sẽ không kịp. Đọc nhiều cũng sẽ giúp chúng ta nâng cao được tốc độ đọc của mình. Chúng ta cứ luyện dần dần, lần đầu đọc chậm không sao, nhưng sang đến lần 2 lần 3 ta cứ tăng tốc dần, cứ luyện như vậy rồi sẽ tạo thành thói quen đọc nhanh mà vẫn chắc.
5. Tích cực xem phim Trung Quốc hoặc trò chuyện với người Trung
Một đặc điểm của ngôn ngữ Trung Quốc đó là cùng một câu nói nhưng họ có rất nhiều phương thức biểu đạt khác nhau. Có thể vẫn cùng ý nghĩa đó nhưng vì cách biểu đạt khác nên cũng dễ gây hiểu lầm cho chúng ta. Để cải thiện điều này thì cá nhân mình cũng thường xuyên tìm xem các bộ phim, các show giải trí Trung Quốc để hiểu thêm về các cách biểu đạt của họ, ngoài ra mình cũng có nói chuyện với các bạn Trung nữa. Mấy app mình hay dùng là weibo, wechat, soul,….
Trên đây là những chia sẻ về kinh nghiệm làm dạng bài đọc hiểu HSK5 và các phương pháp ôn luyện. Chúc các bạn sẽ đạt được thành tích thật cao trên chặng đường ôn thi HSK nha!
Xem thêm |
TẢI SÁCH TINH GIẢNG TINH LUYỆN TỪ VỰNG HSK5 – 新HSK词汇精讲精练五级
BÍ QUYẾT GIÚP BẠN ĐẠT ĐIỂM CAO PHẦN VIẾT HSK5
TẢI SÁCH NGỮ PHÁP HSK TINH GIẢNG, TINH LUYỆN CẤP 5 新HSK语法精讲精练5级