Ngày 15/5 vừa qua, kỳ thi mô phỏng đánh giá năng lực tiếng Trung Quốc quốc tế cao cấp (HSK 7-9) đã diễn ra thuận lợi. Chủ yếu thông qua hình thức thi trực tuyến tại nhà và thi trực tiếp tại Điểm thi HSK Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội.
Vậy cấu trúc đề thi HSK 7-9 có gì khác so với đề thi HSK 3-6 trước đó? Đối tượng tham gia thi là ai? Và thời gian tổ chức kỳ thi chính thức là bao giờ? Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn một vài thông tin cơ bản do CTI công bố. Cũng như sau khi so sánh với đề thi mô phỏng ngày 15/5 vừa qua.
1. Đối tượng hướng tới
HSK 7-9 hướng tới những người nước ngoài có trình độ tiếng Trung Quốc ở mức độ cao. Họ là những du học sinh đang học Cao học, NCS Tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo của Trung Quốc. Hoặc là sinh viên chuyên ngành tiếng Trung Quốc và làm nghiên cứu về Hán học của nước ngoài.
Có thể thấy đối tượng tham gia HSK 7-9 không chỉ dừng lại ở người học tiếng Trung như HSK 3-6 trước đó. Mà là những người học sâu, thậm chí đi sâu nghiên cứu về Tiếng Trung.
2. Cấu trúc đề thi
HSK cao cấp (từ cấp độ 7 đến cấp độ 9) áp dụng hình thức “1 bài thi 3 cấp độ”. Nghĩa là thông qua 1 lần thi trên cùng 1 đề thi sẽ xác định trình độ tiếng Trung của thí sinh vào 3 cấp độ tương ứng với kết quả bài làm. Kì thi chủ yếu đánh giá năng lực giao tiếp tiếng Trung Quốc của người học. Bao gồm 5 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết – Dịch mà “Bộ tiêu chuẩn GF0025-2021” đã quy định. Đồng thời cũng tăng cường khảo sát đối với sự am hiểu về văn hóa Trung Quốc của thí sinh.
Thông tin bài viết của CTI: https://mp.weixin.qq.com/s/1VWlB4-Hcsln9EZk3ar_8w
Cấu trúc đề thi mô phỏng ngày 15/5
Bài thi chia làm 2 phần: Phần thi tổng hợp và Phần thi nói
Phần thi tổng hợp làm trong 170 phút, gồm 3 kỹ năng (nghe, đọc, viết):
Nghe (chia làm 3 phần):
+ Nghe và chọn đúng sai
+ Nghe đoạn văn ngắn chọn đáp án đúng
+ Nghe đoạn văn dài chọn đáp án đúng
Đọc (35 câu chia làm 3 phần):
+ Đọc và trả lời câu hỏi (có cả câu chọn đáp án và câu trả lời điền từ)
+ Đọc 1 đoạn văn và điền câu trả lời ngắn
+ Đọc và sắp xếp trật tự các đoạn
Viết: Cho một bài luận (khoảng 5 đoạn văn ngắn) từ đó viết 2 bài luận:
+ Bài 1: (200 chữ trở lên) viết một bài luận phân tích vấn đề nêu ra trong đề tài vừa được đọc
+ Bài 2: (600 chữ trở lên) viết một bài luận bảo vệ quan điểm cá nhân của bạn về vấn đề gây tranh cãi ở trong bài đọc nói trên
+ Dịch: Cho một bài luận có sẵn bằng tiếng Việt (khoảng 400 chữ) yêu cầu dịch sang tiếng Trung
Phần thi nói làm trong 35 phút, gồm 3 phần:
Phần 1: dịch khẩu ngữ (nghe 1 đoạn văn bằng tiếng Việt và dịch sang tiếng Trung)
Phần 2: khẩu ngữ ứng dụng (cho một bảng thông tin về một sự kiện rồi lại cho một tình huống, yêu cầu thí sinh thuyết trình về một nhóm đối tượng đề cập tới trong bảng thông tin)
Phần 3: nghe tư liệu (về các vấn đề an sinh xã hội, khoa học kỹ thuật…) rồi trả lờicác câu hỏi từ ngắn đến dài, nêu quan điểm
3. Thời gian tổ chức kỳ thi chính thức
Dự kiến sẽ tổ chức thi chính thức HSK 7-9 vào nửa cuối năm nay. Ngoài ra đối với các cấp độ thi HSK từ 1-6 hiện nay. Trong thời gian một vài năm tới CTI sẽ không tiến hành điều chỉnh về độ khó của đề thi. Đồng thời, nội dung thi và giá trị sử dụng của HSK 1-6 không thay đổi.
Vậy đề thi HSK 7 – 9 có gì khác biệt so với HSK 3 – 6?
– Về thời gian thi
So với thời gian thi của HSK 5 là 125 phút, HSK 6 là 140 phút thì bài thi HSK 7-9 là 170 phút. Bởi bài thi không chỉ có thêm phần thi Dịch mà độ dài của đề cũng tăng lên không ít.
– Về cấu trúc đề thi
Nhìn chung so với HSK 5-6 thì cấp độ khó của HSK 7-9 đã tăng lên không chỉ là một cấp độ. Nếu so sánh mẫu đề mô phỏng với đề thi HSK 5-6 có thể thấy khác biệt rõ nhất là ở phần đọc, phần viết và có thêm phần dịch ngược (từ Việt sang Trung)
+ Phần Đọc: Ngoài phần bài đọc và trả lời câu hỏi như đề thi HSK 5-6 ra. Thì phần Đọc HSK 7-9 có thêm bài đọc và trả lời câu hỏi ngắn và sắp xếp thứ tự các đoạn thành bài hoàn chỉnh.
+ Phần viết: Sẽ phải viết 2 bài trong đó là 1 đoạn 200 chữ và 1 bài 600 chữ.
+ Phần Dịch: Đây là một phần thi hoàn toàn mới và yêu cầu dịch từ Việt sang Trung.